Lễ hội truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam đã được gìn giữ từ những đời cha ông ta, cùng tham khảo qua 5 lễ hội truyền thống Việt Nam sau nhé
Table of Contents
Các loại hình lễ hội ở Việt Nam được quy định như thế nào?
1. Lễ hội dân gian
Là lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh người có công với nước với cộng đồng; thờ cúng thần thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
2. Lễ hội lịch sử, cách mạng
Là lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh những danh nhân, sự kiện lịch sử, cách mạng.
3. Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch
Là lễ hội được tổ chức để quảng bá về văn hóa thể thao, du lịch bao gồm: festival, liên hoan văn hóa, thể thao, du lịch; tuần văn hóa, thể thao, du lịch; tuần văn hóa – du lịch; tháng văn hóa – du lịch; năm văn hóa – du lịch và các lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch khác.
4. Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam
Là lễ hội do tổ chức của Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu giá trị văn hóa tốt đẹp của nước ngoài với công chúng Việt Nam.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về các loại hình lễ hội ở Việt Nam, được quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BVHTTDL. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
5 lễ hội truyền thống Việt Nam
Lễ hội Căm Mường
Dân tộc Lự ở Lai Châu mang trong tâm thức tín ngưỡng về thần sông, thần núi, thần khe, thần suối và thần rồng. Rằng cuộc sống của họ có ấm no, đủ đầy hay không là nhờ các vị thần che chở.
Chính vì thế, họ tổ chức lễ hội Căm Mường để dâng lễ vật tạ ơn thần linh và cầu nguyện cho một năm sung túc, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.
Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc của người dân vùng cao mà rất nhiều du khách mong muốn được chứng kiến một lần trong tiết đầu xuân. Vì thế mà Lai Châu thời gian này rất thu hút khách tham quan.
Lễ vật dâng thần linh tuy mộc mạc nhưng lại chứa đầy sự tỉ mỉ và được thực hiện theo nghi thức trang trọng. Mâm lễ vật bên cạnh hoa quả, rượu thịt thì còn có 18 chiếc thuyền giấy màu xanh lá và màu vàng.
Màu xanh là tượng trưng cho rừng núi bạt ngàn, màu vàng là những cánh đồng lúa chín trổ bông, hình ảnh của một năm được mùa, no ấm.
Lễ hội đền Hùng – Giỗ tổ vua Hùng Vương
Lễ hội được diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm và được tổ chức tại núi Nghĩa Lĩnh với tên gọi là giỗ tổ Hùng Vương. Lễ hội là dịp để nhân dân tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn trước công lao lập nước của vua Hùng, là vị vua đầu tiên của dân tộc.
Tuy nhiên thực chất lễ hội được diễn ra từ những ngày trước với các phong tục như hành hương tưởng niệm vua Hùng, đâm Đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.
Lễ hội Chùa Hương
Không có một năm nào mà lễ hội truyền thống Việt Nam này không là tâm điểm được cả nước chú ý, đặc biệt là nhân dân các tỉnh phía Bắc.
Khi cửa rừng Hương Sơn mở ra, hoa nở tràn núi đồi và vạn vật chìm trong màn sương huyền ảo, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lúc này ngày cũng như đêm, các chuyến đò ở bến Đục không bao giờ thôi tấp nập khách.
Người Hà Nội thường trẩy hội chùa Hương trọn vẹn trong một ngày. Họ bắt đầu sắm lễ sẵn và xuất phát từ đêm để đường xá thông thoáng và kịp về trong chiều.
Chùa Hương tương truyền là nơi đất Phật linh thiêng, nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành nên chỉ cần thành tâm hướng Phật, mọi nguyện cầu nhân dịp đầu xuân sẽ thành hiện thực.
Hơn nữa, quần thể chùa Hương là một tổng thể tín ngưỡng tại Việt Nam quy tụ Đạo, Nho giáo và Phật giáo với nhiều đền, chùa, miếu nổi tiếng cùng nhiều truyền thuyết huyền bí.
Xem thêm: Lịch sử đặc sắc của nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam
Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam tỉnh An Giang
Lễ hội diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm trong đó ngày vía chính là ngày 25. Kể từ năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia.
Ngoài phần Lễ được tổ chức một cách trang trọng theo hình thức cổ truyền, thì phần Hội cũng được tổ chức hàng năm đan xen với phần lễ.
Trong thời gian này các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn vô cùng sôi nổi như múa lân, múa đĩa chén, múa mâm thao … đã thu hút rất nhiều du khách.
Theo tín ngưỡng của người dân thì nơi đây vẫn còn có những tục như vay tiền Bà, xin xăm Bà, thỉnh bùa Bà …
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội nổi tiếng ở Cần Giờ
Lễ hội diễn ra vào dịp rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Lễ hội Nghinh Ông (Cần Giờ) có một số nét tương đồng với những nghi thức lễ chính của lễ hội cầu ngư và lễ hội Nghinh Ông ở các khu vực khác.
Nhưng lễ hội cũng có sự khác biệt ở nghi lễ với nhiều huyền thoại, cũng như các chuyện kể dân gian về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Cần Giờ.
Lễ hội cầu ngư lớn nhất khu vực Nam bộ này là dịp để bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn to lớn của cá Ông và cầu mong cho nghề đi biển của ngư dân được thuận buồm xuôi gió.
Lễ hội này đã thu hút khoảng 15,000- 20,000 du khách đến Cần Giờ mỗi năm nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa cũng như phong tục tập quán của địa phương.
My My – Tổng hợp và chỉnh sửa
(Nguồn tham khảo: blog.traveloka.com, nganhangphapluat.thukyluat.vn, toplist.vn,…)